Video

Nhiệt huyết những nhà báo trẻ

Thứ Hai, 20/06/2022 23:03 Lượt xem: 14155 In bài viết

ĐBP - Nghề báo - một nghề luôn gắn liền với những chuyến đi cùng với sự trải nghiệm nhưng cũng lắm nhọc nhằn, hiểm nguy mà không phải ai cũng thấu hiểu. Với những phóng viên trẻ vùng cao Điện Biên, nơi cực Tây biên giới Tổ quốc, công việc làm báo càng vất vả hơn. Thế nhưng, với lòng đam mê nghề nghiệp, các nhà báo trẻ Điện Biên đã không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng “dấn thân” vào các điểm nóng, nơi vùng sâu, vùng xa để phản ánh một cách chân thực cuộc sống đến với bạn đọc.

Đến với nghề báo và trở thành một cây bút trẻ của Phòng Văn xã – Xây dựng Đảng, Báo Điện Biên Phủ là một cơ duyên với phóng viên Lê Văn Quyết. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn, Đại học Huế, năm 2013, Văn Quyết đã bén duyên với nghề báo và gắn bó với mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng từ đó đến nay. Từ một người “ngoại đạo”, Văn Quyết đã gắn bó với nghề “cầm bút” gần 10 năm nay. Thời gian đầu bước chân vào nghề, Văn Quyết gặp không ít khó khăn; một phần vì chưa có kinh nghiệm trong việc viết lách, tìm đề tài... phần khác còn do những thử thách trên con đường tác nghiệp, nhất là khi tác nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới địa hình chia cắt, giao thông đi lại vất vả. Thế nhưng bằng sự tâm huyết, đam mê giữ ngọn lửa nghề, phóng viên Văn Quyết đã vượt qua mọi thử thách để “tự thân tác nghiệp”, “độc lập tác chiến” đem đến những “đứa con tinh thần” có thông tin chất lượng phục vụ độc giả. 

Về công tác tại Đài PT - TH tỉnh chưa lâu nhưng phóng viên trẻ Bùi Tiến, Phòng Thời sự đã trở thành một trong những “tay máy” khá vững, với những thước hình chất lượng phản ánh hơi thở cuộc sống truyền tải đến người xem. Là phóng viên trẻ nhưng với tinh thần không ngừng học hỏi cũng như tự rèn luyện bản thân, đến nay, Bùi Tiến đã trưởng thành hơn trong chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là ngày càng đam mê, tâm huyết, sẵn sàng dấn thân với nghề. Đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, Bùi Tiến là một trong những phóng viên trẻ năng nổ, cùng với ekip “lao” vào vùng dịch, phản ánh tình hình dịch bệnh cũng như công tác phòng, chống dịch đến người xem.

Phóng viên vùng cao gắn liền với những chuyến công tác về cơ sở và mỗi chuyến đi ấy luôn phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, hiểm nguy. Đường xa, khó đi, quá trình tác nghiệp tại cơ sở không phải khi nào cũng thuận lợi, khi thì mưa lũ, khi lại sạt lở đất… chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng bản thân. Thế nhưng những người làm báo nơi mảnh đất Điện Biên dù tuổi đời còn rất trẻ vẫn luôn yêu nghề, gắn bó với nghề, sẵn sàng dấn thân nơi mưa lũ sạt lở, kịp thời phản ánh, truyền tải thông tin hình ảnh đến với độc giả. Với họ, mỗi tác phẩm đều phải thuyết phục bằng những dẫn chứng sinh động, có ích cho xã hội nên không thể vì ngại khó, ngại khổ mà không đến vùng sâu xa, hay môi trường khắc nghiệt để tác nghiệp. Bất kể khi nào, kể cả đêm tối, những người phóng viên trẻ luôn sẵn sàng có mặt để ghi lại nhưng thông tin, hình ảnh kịp thời vì tinh thần trách nhiệm, sự yêu nghề luôn thôi thúc họ.

Hiện nay, Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên có hơn 150 hội viên, trong đó có nhiều hội viên tuổi đời còn rất trẻ. Bằng ngòi bút của mình, những phóng viên, biên tập viên trẻ đã kịp thời phản ánh “bức tranh” chân thực của đời sống trên mảnh đất Điện Biên. Các tác phẩm không chỉ đề cập đến những vấn đề vi phạm, điểm nóng, những việc làm chưa tốt, chưa đúng mà còn tuyên dương những tấm gương tiêu biểu, cách làm hay. Cũng chính lực lượng phóng viên trẻ trung, năng động, yêu nghề, khát khao cống hiến này đã không quản ngại khó khăn đi đến những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh để tiên phong trong công tác tuyên truyền, đưa những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân.

Sống trong “ngôi nhà chung” của những người làm báo, với những “cây đa, cây đề”, những nhà báo trẻ đang dần trưởng thành hơn và ngày càng có nhiều tác giả trẻ ghi tên mình ở các cuộc thi báo chí danh giá do các bộ, ngành Trung ương và tỉnh phát động, tổ chức. Đó là một sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của các nhà báo trẻ.

Với bản lĩnh, nhiệt huyết với nghề, những nhà báo trẻ đã “lăn lộn” ở cơ sở để có những thông tin, hình ảnh tốt nhất, tạo ra “đứa con tinh thần” chất lượng, mang hơi thở cuộc sống và hướng đến những điều tốt đẹp. Từ đó, các nhà báo trẻ đã trở thành “cầu nối” giữa Đảng và Nhà nước với đồng bào các dân tộc vùng cao, góp phần xây dựng quê hương Điện Biên Phủ anh hùng ngày càng giàu đẹp.

Quang Hưng

Back To Top