Video

Khai thác tiềm năng, phát triển cây công nghiệp

Thứ Bảy, 20/08/2022 19:27 Lượt xem: 13804 In bài viết

ĐBP - Điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu của Điện Biên thuận lợi để phát triển vùng cây công nghiệp, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến trên địa bàn. Tận dụng lợi thế đó, những năm gần đây, tỉnh Điện Biên đã tập trung nghiên cứu, trồng thử nghiệm nhiều giống cây mới, đặc biệt là một số loại cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. Việc thực hiện đa dạng hóa cây trồng, nhất là các giống cây công nghiệp lâu năm sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân.

Mặc dù mới bén rễ trên mảnh đất Điện Biên nhưng cây mắc ca được xác định là loại cây trồng chủ lực để thực hiện mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi núi trọc với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng gần 4.000ha cây mắc ca, tập trung tại các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Ảng và Điện Biên Đông...

Trong chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên và tham dự lễ phát động trồng cây hưởng ứng Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” gắn với phát triển cây công nghiệp chiến lược trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh về hiệu quả kinh tế của cây mắc ca, nhất là tạo ra việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên, Lai Châu và Tây Nguyên. Qua đó càng khẳng định giá trị kinh tế của cây mắc ca để từ đó mắc ca sớm trở thành loại cây công nghiệp thế mạnh của Điện Biên trong thời gian tới.

Việc quy hoạch 3 vùng kinh tế bao gồm: Trục kinh tế động lực quốc lộ 279 (các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Điện Biên Đông và TP. Điện Biên Phủ), trục kinh tế sinh thái sông Đà (các huyện: Mường Chà, Tủa Chùa và TX. Mường Lay) và trục kinh tế Nậm Pồ - Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã và đang dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng vùng để khuyến khích các địa phương khai thác và tận dụng phát triển. Trong đó, chú trọng vào một số lĩnh vực, như: Công nghiệp chế biến, phát triển cây công nghiệp như mắc ca, cà phê, cao su...; qua đó từng bước hình thành và phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi các sản phẩm hàng hóa có giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. 

Là địa phương có lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây cà phê, thế nhưng những năm trước, cây cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng luôn rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá” hoặc ngược lại khiến người dân không còn quá mặn mà với cây cà phê. Tuy nhiên, từ niên vụ 2021, năng suất, giá cả và việc bao tiêu cà phê đều thuận lợi, vì thế năm nay, người dân huyện Mường Ảng đã tập trung chăm sóc và cải tạo lại nhiều diện tích trồng cà phê. Được xác định là cây trồng chủ lực trên địa bàn nên huyện Mường Ảng đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân tập trung tái canh và cải tạo các vườn đồi trồng cây cà phê để khai thác nguồn thu từ loại cây công nghiệp này.

Cùng với các loại cây công nghiệp khác, cây cao su cũng là cây công nghiệp lâu năm hứa hẹn mang về no ấm cho người dân một số địa phương trong tỉnh. Với tổng diện tích hơn 5.000ha, cây cao su đang chiếm khoảng 43% diện tích cây công nghiệp dài ngày của tỉnh. Trong đó, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đang quản lý chăm sóc hơn 3.730ha cao su. Năm 2022, Công ty đã tổ chức khai thác trên diện tích hơn 3.140ha, với sản lượng mủ khai thác tính đến hết ngày 30/6/2022 đạt trên 940 tấn. Nhiều diện tích cây cao su đã đưa vào khai thác, tạo việc làm cho nhiều công nhân là người dân địa phương với mức thu nhập ổn định, đặc biệt là hộ góp đất trồng cao su cũng được chia lợi tức, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho công nhân lao động là người dân địa phương.

Dù có tiềm năng, lợi thế, song để phát triển cây công nghiệp theo hướng bền vững, các cấp, ngành chức năng của tỉnh Điện Biên cần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, các nhà máy chế biến sản phẩm nhằm tạo đầu ra, giá cả ổn định. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, từng bước cung cấp nguồn nguyên liệu, góp phần hình thành ngành công nghiệp chế biến, giúp xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển bền vững.

Phạm Quang

Back To Top