Video

Thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế mới

Thứ Tư, 07/09/2022 10:23 Lượt xem: 20493 In bài viết

ĐBP - Tận dụng điều kiện lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng…, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế mới. Một số mô hình kinh tế mới thực hiện đang trong quá trình thử nghiệm song bước đầu đã cho kết quả khá khả quan, từng bước mở ra cơ hội phát triển kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Những cây sâm Ngọc Linh này có độ tuổi 6 - 7 năm được Công ty TNHH Xây dựng Đoàn Lân tỉnh Điện Biên đưa vào trồng tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo. Với diện tích 2.186ha đất có rừng, đặc điểm đất giàu mùn, tầng canh tác khá dày, Tênh Phông là địa phương có điều kiện lý tưởng có thể phát triển trồng các loại sâm. Trải qua gần 10 năm vừa nghiên cứu vừa trồng thử nghiệm, đến nay những gốc sâm của doanh nghiệp Đoàn Lân đang sinh trưởng và phát triển tốt. Đây là củ sâm hơn 6 năm tuổi, đã đủ điều kiện cho thu hoạch nhưng hiện nay Công ty TNHH Xây dựng Đoàn Lân đang tập trung mở rộng diện tích trồng sâm nên những gốc sâm như thế này vẫn được doanh nghiệp duy trì để lấy hạt, phục vụ nhân giống.

Trên địa bàn huyện Tuần Giáo hiện có khoảng 60.550 cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu từ 1 đến 5 năm tuổi, với tổng diện tích trên 2ha. Qua theo dõi, đánh giá thời gian qua cho thấy cây sâm sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình khu vực xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo. Vậy nên, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy, phát triển quy mô và liên kết tạo đầu ra bền vững cho cây sâm trong thời gian tới.

Sâm là loại cây mới, có giá trị kinh tế cao, song loại cây này rất khó trồng, dễ mắc các bệnh hại, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm trồng và chăm sóc, cây mới sinh trưởng phát triển tốt. Cùng với mức đầu tư cao nên khi đưa vào thử nghiệm, mỗi hộ dân, doanh nghiệp, HTX phải nghiên cứu kỹ lưỡng và phải thận trọng khi triển khai mô hình trồng sâm.

Ở các địa phương khác trong tỉnh, người dân cũng triển khai mô hình phát triển kinh tế mới từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Với huyện Mường Ảng, người dân thực hiện mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Ẳng Cang.

Sau khi dâng nước hồ Ẳng Cang, phần lớn đất canh tác của người dân sinh sống tại đây bị ngập sâu dưới nước nên việc nuôi cá lồng được xem như giải pháp thay thế trong sản xuất nông nghiệp. Theo kế hoạch, xã Ẳng Cang sẽ triển khai nuôi cá lồng với quy mô 40 hộ dân tham gia. Hiện nay mô hình đang trong quá trình nuôi thí điểm với việc tạo điều kiện, hỗ trợ 20 hộ dân tham gia nuôi cá lồng. Nếu mô hình đem lại hiệu quả sẽ tiếp tục nhân rộng để mở rộng diện tích nuôi cá thương phẩm với số lượng lớn.

Tận dụng diện tích lòng hồ Ẳng Cang rộng với diện tích trên 30ha và điều kiện nước lặng, có độ sâu phù hợp để nuôi cá lồng, huyện Mường Ảng đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền; tổ chức cho bà con nhân dân vùng lòng hồ được tham quan học tập kinh nghiệm nuôi cá lồng ở các tỉnh bạn nhằm mở ra hướng phát triển kinh tế. Tạo điều kiện để người dân nuôi trồng thủy sản, chính quyền địa phương đã hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật chăm sóc cá, bước đầu giúp bà con tích lũy kinh nghiệm để thực hiện mô hình đem lại hiệu quả cao hơn.

Với khoảng 70% diện tích đất tự nhiên là đất nông, lâm nghiệp, tỉnh Điện Biên có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho việc phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi phù hợp với các hệ sinh thái khác nhau. Trong đó diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp, diện tích rừng tương đối lớn với 409.856ha đất có rừng (tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đến hết năm 2021 là 42,96%) và là khu vực phân bố tự nhiên của nhiều loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, tiềm năng phát triển các mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng của tỉnh rất lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Việc xây dựng, áp dụng, thử nghiệm các mô hình phát triển kinh tế mới là bước quan trọng để đánh giá hiệu quả thực tế, định hướng phát triển, nhân rộng các mô hình hiệu quả, chất lượng tiến tới sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bước đầu, việc triển khai các mô hình kinh tế mới có sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương là điều kiện để người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Từ kết quả các mô hình thử nghiệm thành công sẽ giúp khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai, khí hậu; đồng thời giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Phạm Quang

Back To Top