Video

Âm vang hào khí Điện Biên

Thứ Bảy, 06/05/2023 21:13 Lượt xem: 7781 In bài viết

ĐBP - Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã lui vào quá khứ 69 năm, song ký ức cuộc chiến trường kỳ của quân và dân ta để chiến thắng thực dân Pháp vẫn in sâu trong ký ức những người lính Điện Biên năm xưa. Trong cuộc chiến trường kỳ đó, biết bao đồng đội của họ đã ngã xuống, cống hiến tuổi thanh xuân để giành độc lập, tự do cho dân tộc và nhiều người đã mãi nằm lại mảnh đất Điện Biên lịch sử. May mắn hơn các đồng đội, những người cựu chiến binh năm ấy trở về sau cuộc chiến, trong tâm trí họ mãi mãi không thể nào quên những trận chiến ác liệt ở chiến trường Điện Biên Phủ năm nào.

Chiếc Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ này dù đã cũ và bạc màu nhưng là kỷ vật mà chiến sĩ Điện Biên Phạm Bá Miều, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) lưu giữ suốt 69 năm qua. Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông Miều vinh dự được tặng thưởng Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ. Biết bao lần được cấp huy hiệu mới nhưng chiếc huy hiệu cũ này vẫn là kỷ vật vô giá với người chiến sĩ Điện Biên Phạm Bá Miều vì nó đánh dấu mốc thời gian không thể nào quên trong đời lính và cũng là sự khẳng định của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” để giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu.

Dù ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trong tâm trí cựu chiến binh Phạm Bá Miều vẫn còn nhớ như in giây phút tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1950, ông Miều trở thành người lính Quân đội nhân dân Việt Nam, được biên chế ở Đại đội 76, Tiểu đoàn 938, Trung đoàn 98, Đại đoàn 312. Đến năm 1954, ông được điều chuyển sang Đại đội 315, Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Thời điểm đó, ông Miều cũng như đồng đội nhận nhiệm vụ hành quân về Chiến dịch Trần Đình - bí danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Dẫu trong hoàn cảnh giữa sự sống và cái chết rất mong manh, song ông và đồng đội đều nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Những ngày kéo pháo gian khổ vẫn là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với cựu chiến binh Phạm Đức Cư (phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ). Mảnh dù và chiếc túi này là kỷ vật mà ông Cư đã sử dụng trong thời gian tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Giờ đây, những kỷ vật này đã được lưu giữ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Tháng 12/1953, ông Cư cùng đồng đội hành quân lên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong vai trò là Tham mưu tác chiến của Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367, Binh chủng Pháo binh. Thời điểm đó, đơn vị của ông cùng với Tiểu đoàn 383 được lệnh kéo pháo vào bên trong lòng chảo Mường Thanh. Kéo pháo ra trận địa trong điều kiện địa hình chia cắt, hiểm trở; phải xuyên rừng, qua sông, qua suối là những ký ức in sâu trong tâm trí người lính Điện Biên Phủ Phạm Đức Cư. Dẫu phải trải qua hoàn cảnh vô cùng vất vả, gian khổ nhưng ông Cư cùng đồng đội đều quyết tâm và đặt niềm tin vào chiến thắng; đó là động lực giúp những chiến sĩ Điện Biên vượt qua mọi thử thách.

Ngoài ông Miều, ông Cư, để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” còn rất nhiều những người lính đã hy sinh tuổi thanh xuân, hạnh phúc riêng, thậm chí cả mồ hôi, xương máu của mình. 69 năm trôi qua, những chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa nay dẫu người còn – người mất, song giá trị những câu chuyện của họ vẫn còn vẹn nguyên, mang lại niềm tự hào cho thế hệ trẻ. Không chỉ qua lời kể, những giá trị ấy còn mãi lưu giữ ở những hiện vật trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Những kỷ vật của người lính, những hiện vật ở bảo tàng là minh chứng rõ nét nhất khẳng định sự chiến đấu kiên cường của mỗi chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Với trên 1.000 tài liệu, hiện vật gốc cùng với các cảnh quan, cảnh tượng lịch sử, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã không ngừng đổi mới, lưu giữ và phát huy được giá trị nhằm thu hút đông đảo du khách khi đến Điện Biên, như để lan tỏa trang sử hào hùng của dân tộc cũng như giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu.

Đã 69 năm trôi qua nhưng những hiện vật mang giá trị lịch sử về một chiến thắng chấn động địa cầu vẫn vẹn nguyên trong lòng những người tham gia trận chiến ngày ấy. Qua lời kể của thế hệ cha ông và những hiện vật còn lại, thế hệ trẻ hôm nay một lần nữa được sống lại trong hào khí của chiến thắng Điện Biên Phủ năm nào. Hào khí Điện Biên Phủ tiếp thêm động lực để tuổi trẻ phấn đấu học tập, rèn luyện, bảo vệ, giữ gìn nền độc lập, tự do của dân tộc; xứng đáng với truyền thống kiên cường của lớp lớp những người đi trước…

Phạm Quang

Back To Top