Video

Điện Biên Đông nâng cao chất lượng nông sản

Thứ Năm, 11/05/2023 19:18 Lượt xem: 6004 In bài viết

ĐBP - Chú trọng triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, phù hợp với thực tiễn từng địa bàn; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... là những giải pháp đã và đang được huyện Điện Biên Đông triển khai trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện các giải pháp đó đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp địa phương, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.       

Chuyển đổi từ chăn nuôi đại gia súc chăn thả tự do sang nuôi nhốt vỗ béo tập trung theo hướng hàng hóa đang là cách làm được người dân huyện Điện Biên Đông thực hiện thời gian qua. Việc làm này đã giúp người dân chủ động tiêm phòng cho vật nuôi; hạn chế đến mức thấp nhất vật nuôi chết do dịch bệnh, giá rét. Cơ quan chuyên môn cũng tăng cường hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại, trồng cỏ voi, chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc; hỗ trợ người dân thực hiện hàng chục mô hình, dự án chăn nuôi gia súc phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tại các xã: Na Son, Keo Lôm, Chiềng Sơ... Nhờ đó, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện không chỉ ngày càng tăng với hơn 42.000 con như hiện nay, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đàn đại gia súc khi xuất bán ra thị trường.

Cùng với chuyển hướng chăn nuôi tập trung, huyện Điện Biên Đông cũng tổ chức xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương như lúa nếp tan tại xã Na Son và Luân Giói; nếp thơm hạt to tại xã Pú Hồng... Đồng thời, nâng cao chất lượng, năng suất giống lúa địa phương thông qua các mô hình hỗ trợ. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã triển khai gần 20 mô hình áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp phân hóa học trong sản xuất lúa nếp 97, HD11... cho khoảng 1.700 hộ dân tại 14 xã, thị trấn, với diện tích hơn 400ha.

Nhờ những nỗ lực trong thực hiện chuyển đổi sản xuất và tái cơ cấu nông nghiệp, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông bước đầu đã hình thành vùng chuyên canh về lúa gạo, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc. Huyện cũng đẩy mạnh các giải pháp giới thiệu, tiêu thụ nông sản nhằm tiếp cận nhiều hơn với đa dạng khách hàng và thị trường ngoài tỉnh. 

Huyện Điện Biên Đông phấn đấu đến năm 2030 phát triển được 29 sản phẩm, trong đó lựa chọn và đầu tư 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia. Để đạt được mục tiêu đó, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường; mở rộng liên kết sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thu Hằng

Back To Top