Video

Biến phế liệu thành đồ chơi hữu ích cho trẻ

Thứ Sáu, 16/09/2022 07:57 Lượt xem: 18267 In bài viết

ĐBP - Từ những nguyên liệu thiên nhiên, phế liệu đã qua sử dụng, sẵn có như: giấy, bìa, vỏ lon, chai lọ, cành cây, lá khô, tre nứa... các thầy, cô giáo ở nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo ra nhiều đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Việc biến những vật liệu tưởng chừng bỏ đi ấy trở thành những món đồ đủ kiểu dáng, màu sắc sinh động không chỉ góp phần phục vụ giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp trẻ hình thành ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường.

Những chiếc lốp xe máy, lốp ô tô này được các thầy, cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) tận dụng tạo ra những món đồ chơi cho học sinh. Dưới bàn tay khéo léo và tư duy sáng tạo, chỉ với 2 chiếc lốp ô tô và cây tre, những giáo viên vùng cao đã làm ra món đồ chơi cho trẻ mang hình thù như chiếc xe máy. Còn những chiếc lốp xe máy lại được gắn kết tạo thành mạng lưới một trò chơi vận động cho trẻ… Với điều kiện nguồn kinh phí đầu tư mua thiết bị, đồ chơi, đồ dùng học tập ở vùng cao còn hạn chế, đội ngũ thầy cô giáo đã chủ động tận dụng phế liệu, sáng tạo thành những sản phẩm đồ chơi độc đáo, thân thiện với môi trường, mang lại nụ cười vui vẻ sau mỗi giờ lên lớp cho học sinh ở các điểm bản vùng sâu, vùng xa.

Đây là những giỏ hoa quả, đĩa bánh, bộ đồ chơi và đồ dùng học tập do các cô giáo Trường Mầm non Núa Ngam, huyện Điện Biên tạo ra trong hội thi Cô giáo cùng trẻ và phụ huynh làm đồ dùng dạy học, đồ chơi sáng tạo. Những vỏ chai nhựa, hộp bìa, ống nhựa… vốn bỏ đi được cô trò thu lượm, góp nhặt, làm sạch đã trở thành những món đồ chơi, bộ đồ dùng học tập hữu ích dưới bàn tay cần mẫn, tỉ mỉ. Cuộc thi này đã khuyến khích trí sáng tạo của các cô giáo, qua đó trở thành phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ trong nhà trường. Món đồ chơi tự chế an toàn, không gây độc hại giúp các bé có thể “chơi mà học, học mà chơi”, nâng cao hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ một cách toàn diện.

Đồ dùng, đồ chơi cho trẻ em hiện nay khá phong phú, đa dạng và bày bán phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, ngoài việc phải có kinh phí mua sắm, trang bị thì nhiều món đồ chơi không phù hợp với lứa tuổi con trẻ và không thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu, mục đích của chương trình dạy học trong nhà trường, đặc biệt là ở cấp học mầm non. Vì vậy, những món đồ chơi do cô và trẻ tự tay làm ra luôn nhận được sự ủng hộ, phối hợp và hỗ trợ của phụ huynh.

Trong điều kiện kinh phí trang bị đồ dùng dạy học cho các nhà trường còn hạn chế thì việc tổ chức làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ từ nguyên vật liệu thiên nhiên, phế liệu đã mang lại ý nghĩa rất thiết thực và hữu ích, nhất là các trường mầm non miền núi còn nhiều khó khăn như tỉnh Điện Biên. Do vậy, các trường mầm non, tiểu học trong tỉnh đã khuyến khích đội ngũ giáo viên tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có để sáng tạo ra nhiều đồ dùng, đồ chơi phù hợp với lứa tuổi học sinh cũng như từng chủ đề, nội dung bài giảng trên lớp. Việc làm đó không chỉ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục của nhà trường mà còn góp phần tiết kiệm ngân sách tỉnh nói chung và kinh phí cho ngành Giáo dục, các nhà trường nói riêng.

Những đồ chơi, đồ dùng học tập được làm từ nguyên liệu thiên nhiên sẵn có và các phế liệu vừa dễ làm, vừa dễ sử dụng đã và đang lan tỏa rộng rãi, hình thành phong trào ở các trường mầm non, tiểu học trong toàn tỉnh. Dù phải tập trung cho việc chăm sóc và dạy trẻ, song đội ngũ thầy cô giáo vẫn thường xuyên nghiên cứu, tự làm đồ dùng, đồ chơi, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Với các thầy cô giáo, đó cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc khi mang đến cho các em những nụ cười, những buổi học vui vẻ và bổ ích. Và hơn hết việc làm ấy góp phần tuyên truyền đến con trẻ, các bậc phụ huynh về bảo vệ môi trường, từng bước hạn chế lượng rác thải, bảo vệ hệ sinh thái ngày càng xanh - sạch - đẹp.

 Phạm Quang

Back To Top