Video

Nỗi lo “té nước theo mưa” khi điện tăng giá

Thứ Hai, 15/05/2023 11:47 Lượt xem: 7163 In bài viết

ĐBP - Giá bán lẻ điện bình quân chính thức tăng thêm 3% so với giá hiện hành, thực hiện từ ngày 4/5/2023. Với mức tăng không quá cao, thì việc điều chỉnh giá điện ‘tính đúng, tính đủ’ là yêu cầu cần thiết. Việc tăng giá điện vào đúng thời điểm mùa hè, nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất lớn thì tiền điện sẽ tăng. Mức tăng giá điện là không quá cao song vấn đề người dân lo lắng tình trạng “té nước theo mưa” các loại hàng hóa lợi dụng tăng giá. Điện tăng, hàng hóa tăng sẽ ảnh hưởng lớn tới cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp…

Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên có ngành nghề chính là sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Với quy trình sản xuất hiện đại, 15 loại máy móc, thiết bị được hợp tác xã sử dụng trong hầu hết các công đoạn như: sấy, xay xát gạo, đóng gói sản phẩm... Chuẩn bị bước vào vụ cao điểm thu hoạch lúa đông xuân, dây chuyền sản xuất gạo sẽ phải hoạt động hết công suất, lượng tiêu thụ điện năng là rất lớn nên việc tăng giá điện đang gây nhiều áp lực cho đơn vị.

Cơ sở này mỗi ngày sản xuất từ 4 - 5 tạ bún cung cấp cho thị trường thành phố Điện Biên Phủ. Thời gian sản xuất liên tục 8 tiếng mỗi ngày cùng với hệ thống máy móc tại các khâu làm bún, gồm: máy đánh gạo, máy rửa bún, vắt bún, nồi luộc điện... đồng nghĩa với việc số tiền điện trung bình cơ sở phải chi trả cũng khá cao khoảng 10 triệu đồng/tháng. Điện tăng giá cùng với nhiều chi phí khác, về lâu dài, phương án tăng giá thành sản phẩm đang được tính đến.

Không chỉ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, với nhiều hộ gia đình, giá điện tăng vào đúng thời điểm nắng nóng, mức tiêu thụ điện sinh hoạt thường tăng thêm 20 - 30% đang kéo theo áp lực chi trả tiền điện lớn. Cùng với đó là nỗi lo khi giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất kinh doanh tăng thì nhiều hàng hoá, nguyên vật liệu khác cũng “té nước theo mưa” mà đồng loạt tăng giá.

Việc tăng giá điện sau 4 năm là động thái cần thiết để ngành điện đảm bảo chi phí phát điện và nâng cao chất lượng, phục vụ người dân. Tuy nhiên, để tránh tình trạng việc giá điện tăng được coi là "cái cớ" để hàng hóa thiết yếu "té nước theo mưa" thì các cơ quan chức năng cần có ngay những biện pháp hạn chế tác động lan tỏa của việc điều chỉnh giá điện; giảm gánh nặng chi tiêu cho người dân. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng cần có phương án sử dụng điện hợp lý nhằm giúp giảm chi phí, tổn thất điện năng, thích ứng với thị trường và nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Thu Hằng

Back To Top