Video

Mô hình thư viện hay ở trường học

Chủ Nhật, 21/05/2023 07:32 Lượt xem: 8616 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh thông qua việc thiết lập môi trường đọc thân thiện, đồng thời thực hiện thường xuyên các hoạt động đọc sách ở trường, từ năm 2017, mô hình "Thư viện tiên tiến" đã được Trường Tiểu học xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên triển khai. Mô hình "Thư viện tiên tiến" đã tạo hiệu quả thiết thực, giúp học sinh nâng cao kiến thức, khơi gợi và định hướng văn hóa đọc cho các em ngay trên ghế nhà trường.

"Thư viện tiên tiến" của Trường Tiểu học xã Thanh Chăn được thiết kế gồm không gian bên trong và bên ngoài phòng đọc, với tổng diện tích 190m2. Thư viện được trang trí đẹp mắt bằng những bức tranh, dòng chữ sinh động thể hiện nội dung theo từng chủ đề của góc đọc. Hệ thống giá sách với trên 3.000 cuốn sách, truyện, tài liệu tham khảo các loại phục vụ tốt nhu cầu học tập, giải trí của cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường.

Điểm khác biệt cơ bản giữa "Thư viện tiên tiến" trong trường tiểu học với loại hình thư viện truyền thống đó là hàng tuần mỗi lớp sẽ có 1 “tiết đọc thư viện” được sắp xếp thời khóa biểu như một tiết học các môn văn hóa khác. Với các chủ đề đã lựa chọn, chuẩn bị từ trước, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động khác nhau, như: thuyết trình, giới thiệu sách, góc nghe - nhìn, hỏi - đáp, chơi trò chơi... Qua đó, vừa phát huy tính sáng tạo vừa khuyến khích các em tìm đọc nhiều thể loại sách khác nhau. 

Không chỉ vậy, để tiện cho việc đọc sách của học sinh, nhà trường cũng tận dụng và xây dựng các "thư viện mở" ngay tại hành lang lớp học. Nhờ đó, thư viện nhà trường đã trở thành không gian thân thiện, giúp các em học được những bài học quý trong sách; đồng thời hỗ trợ phát triển ngôn ngữ, rèn kỹ năng đọc, kỹ năng giao tiếp và cải thiện chất lượng học môn Tiếng Việt... Tham gia các hoạt động của thư viện, nhiều học sinh đã hình thành được thói quen đọc sách sau mỗi giờ lên lớp.

Trước thực trạng hệ thống thư viện trong nhiều trường học đang trở thành “kho sách”, không thu hút học sinh, giáo viên đến đọc sách, tra cứu tài liệu, thì việc xây dựng mô hình "Thư viện tiên tiến" như tại Trường Tiểu học xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên đang tạo ra những thay đổi tích cực. Qua đó, khơi dậy niềm đam mê, giúp học sinh tiếp cận và đọc sách nhẹ nhàng, tự nhiên, thú vị, hình thành văn hóa đọc cho các em. Ðồng thời, góp phần đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Thu Hằng

Back To Top