Video

Gỡ vướng giải ngân vốn đầu tư công

Thứ Tư, 23/08/2023 09:48 Lượt xem: 6534 In bài viết

ĐBP - Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong toàn tỉnh. Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh chưa đạt mục tiêu càng khiến các địa phương phải có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch đã đề ra năm 2023.

Đây là một buổi tuyên truyền, vận động của Ban Quản lý dự án các công trình huyện Mường Ảng và UBND xã Mường Lạn đối với người dân bản Huổi Lỵ (xã Mường Lạn) nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng công trình đường liên xã Nặm Lịch - Mường Lạn. Tuyến đường có chiều dài gần 3km chạy qua nhiều diện tích đất ở, đất sản xuất của người dân, gây khó khăn trong quá trình thi công. Để có mặt bằng thi công, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với phương án đền bù. Với sự vào cuộc của các đơn vị, chính quyền địa phương, đến nay, các hộ dân có đất mà tuyến đường đi qua đều đồng thuận bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện để công trình thi công.  

Kịp thời tháo gỡ các nút thắt về mặt bằng cũng như thủ tục hành chính đã tạo thêm động lực cho các nhà thầu thi công các công trình, dự án. Đây là những vướng mắc phổ biến trong triển khai các công trình tại khắp các địa phương. Để tháo gỡ được nút thắt này đòi hỏi đội ngũ cán bộ chuyên môn và cơ sở phải có năng lực, biết việc, bám cơ sở, bám công trình. Đặc biệt là công tác dân vận, tuyên truyền được thực hiện tốt để nói cho dân hiểu, làm cho dân thấy, dân tin; qua đó tạo sự tin tưởng, đồng tình ủng hộ của người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.

Năm 2023, UBND tỉnh giao huyện Mường Nhé hơn 300 tỷ đồng vốn đầu tư công để thực hiện các chương trình, dự án. So với những năm trước, năm nay, Mường Nhé được giao kế hoạch vốn đầu tư công nhiều hơn nên áp lực giải ngân đối với địa phương cũng rất lớn. Mặc dù kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm của huyện Mường Nhé nằm top đầu các địa phương trong tỉnh nhưng không vì thế mà các cơ quan chức năng của Mường Nhé chủ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ những tháng cuối năm.

Là đơn vị được UBND huyện giao quản lý các dự án thường xuyên bám sát công trình, đôn đốc nhà thầu thi công, năm 2023, Ban Quản lý dự án các công trình huyện Mường Nhé triển khai khoảng 40 công trình, dự án; trong đó khoảng 30 công trình, dự án triển khai mới còn lại là tiếp chi của năm trước. Để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công từ giờ đến cuối năm, đơn vị tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang là điểm nghẽn trong triển khai các chương trình, dự án ở các địa phương. Vậy nên để tháo gỡ điểm nghẽn này cần giải pháp đồng bộ và hơn hết là quyết tâm cao, sự trách nhiệm với công việc của các cơ quan liên quan. Năm 2023, tỉnh Điện Biên được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước trên 4.620 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 6, toàn tỉnh mới giải ngân hơn 1.300 tỷ đồng (đạt 28,26%), thấp hơn bình quân chung của cả nước (30,49%), thấp hơn cùng kỳ năm trước (35,81%). Trong đó, tiến độ triển khai các chương trình, dự án có kế hoạch vốn lớn còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp như: Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12; Dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm; các dự án chương trình mục tiêu quốc gia (thuộc huyện Điện Biên).

Nguyên nhân, khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có rất nhiều, đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình, trả lời chất vấn tại kỳ họp 11 HĐND tỉnh khóa XV tổ chức tháng 7 vừa qua. Đó là công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm, nhất là các dự án có quy mô lớn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ triệt để. Quy trình, thủ tục đầu tư thực hiện qua nhiều khâu, nhiều bước nên mất nhiều thời gian từ khảo sát, thiết kế; giá cả vật liệu, tiền lương nhân công có sự biến động phải cập nhật lại dự toán đầu tư xây dựng trong quá trình thực hiện. Một số dự án thuộc chương trình phục hồi kinh tế xã hội giao vốn chậm khi tới tháng 3 mới có quyết định giao vốn. Chất lượng lập kế hoạch, thủ tục đầu tư cho các dự án tại một số đơn vị còn chưa tốt, thiếu chủ động; công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành chưa được các chủ đầu tư, đơn vị thi công ưu tiên bố trí nhân lực thực hiện… Những vướng mắc đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai dự án, tiến độ thi công của nhà thầu. Thực tế ấy đòi hỏi các ban, sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phải tập trung bám sát hiện trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; khẩn trương lựa chọn nhà thầu các dự án và đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án theo cam kết.

Những tháng cuối năm, áp lực tiến độ thi công các công trình, dự án càng lớn hơn, cùng với đó là sự biến động về giá vật tư, diễn biến thời tiết thiên tai. Tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tỉnh rà soát tiến độ giải ngân, kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các đơn vị, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, không thực hiện đúng tiến độ giải ngân đã cam kết sang các đơn vị, địa phương và các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Với những giải pháp và chỉ đạo kịp thời, quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền các cấp trong tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, Điện Biên phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn năm 2023 đạt 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phạm Quang

Back To Top