Video

Chung tay xóa đói, giảm nghèo bền vững

Thứ Tư, 26/10/2022 07:38 Lượt xem: 7236 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp. Cùng với ý chí tự lực vươn lên của bản thân mỗi cá nhân, gia đình hộ nghèo, các chương trình hỗ trợ, chính sách ưu đãi về xóa đói, giảm nghèo đã giúp người dân từng bước vươn lên ổn định cuộc sống; qua đó góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi và vùng sâu, vùng xa…

Từng là hộ nghèo “bền vững” trong bản nhiều năm nay, nhưng đến nay gia đình ông Lường Văn Lanh, bản Pom Ké, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) đã tích cực làm ăn, phát triển kinh tế và trở thành điển hình vươn lên trong xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Giờ đây, gia đình ông Lanh đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố cùng với mua sắm đầy đủ các thiết bị, đồ dùng và phương tiện phục vụ cuộc sống. Để có được thành quả này, ngoài sự cố gắng của bản thân và gia đình, ông Lanh sẽ không bao giờ quên sự giúp đỡ của chính quyền địa phương về nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo, hỗ trợ bò sinh sản… Và đó chính là sự động viên, động lực quan trọng giúp cả nhà vượt qua giai đoạn khó khăn.

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ gia súc, gia cầm, máy móc và cây trồng. Để phát huy hiệu quả tối đa nguồn hỗ trợ, các địa phương đã cử cán bộ có chuyên môn luôn sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân nhằm thực hiện hỗ trợ theo đúng nguyện vọng của bà con. Cùng với đó, tích cực hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi đúng phương pháp, giúp xóa đói giảm nghèo; từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. 

Cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của hộ nghèo, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực; nhận thức của nhân dân về công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội không ngừng được nâng lên. Đời sống của hộ nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội tiếp tục được chăm lo, cải thiện. Trong giai đoạn 2021-2025, Điện Biên có 2 địa phương đăng ký thoát nghèo là Mường Ảng và Tuần Giáo, đó là tiền đề phần quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Dù mấy năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song với quyết tâm cao, tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội. Dự ước cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 43.048 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 31,10% (giảm 3,80% so với năm 2021) và còn lại 9.787 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 7,07%). Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo cần tiếp tục nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế nhằm chung tay, đồng hành với cấp ủy, chính quyền các cấp, phấn đấu đạt được những kết quả tích cực hơn nữa vào công tác xóa đói, giảm nghèo trong thời gian tới.

Phạm Quang

Back To Top