Video

Xây dựng văn hóa đọc trong sinh viên

Thứ Sáu, 13/01/2023 18:09 Lượt xem: 4973 In bài viết

ĐBP - Trong xu thế phát triển của khoa học và công nghệ, văn hóa đọc vẫn luôn giữ một vai trò quan trọng là nền tảng của một xã hội học tập. Chính vì vậy, những năm gần đây, công tác thư viện luôn được các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm. Nhiều mô hình thư viện hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng, thúc đẩy văn hóa đọc trong các nhà trường.

Được thành lập từ năm 2000, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học & Hỗ trợ học tập, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên được ví như một thư viện tỉnh thu nhỏ, với đầy đủ các phòng chức năng, như: phòng hội thảo, phòng máy tính, kho sách, phòng đọc… Hiện Trung tâm có gần 9.000 đầu sách chủ yếu là giáo trình, tài liệu tham khảo; chuyên khảo thuộc các ngành đào tạo; đề tài luận văn đào tạo giáo dục mầm non; tác phẩm văn học nghệ thuật, báo tạp chí… đáp ứng yêu cầu sử dụng của cán bộ, giáo viên và sinh viên nhà trường.

Thường xuyên bổ sung đa dạng các đầu sách để phù hợp với nhu cầu tìm tòi, học hỏi của sinh viên; tạo điều kiện cho bạn đọc khai thác thông tin thuận lợi, nhanh chóng, chính xác… Nhờ vậy, thời gian qua, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học & Hỗ trợ học tập, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã trở thành địa chỉ tin cậy thu hút đông đảo sinh viên đến học tập, tìm kiếm tài liệu. Theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 6.000 lượt bạn đọc đến với trung tâm.

Tại trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên, với quan điểm xây dựng và phát triển thư viện theo xu hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hướng tới người sử dụng, từ năm 2019, thư viện nhà trường đã được đầu tư, xây dựng hiện đại với diện tích phòng đọc và kho sách mở rộng hơn 350m2. Bên cạnh đầu tư nhiều loại sách phong phú với trên 28.000 đầu sách, phòng đọc của thư viện luôn đảm bảo không gian thoáng mát, rộng rãi, trang trí sinh động nhằm tạo dựng không gian thoải mái, thư giãn nhất. Qua đó, nhằm khơi dậy niềm hứng thú, yêu thích đọc sách cho mỗi sinh viên. Cũng nhờ vậy, số bạn đọc đến với thư viện nhà trường ngày càng tăng, trung bình đạt 4.000 lượt/năm, với số sách mượn là hơn 10.000 lượt.

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, để xây dựng và hình thành văn hóa đọc, các đơn vị trường học đã không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả của thư viện, tổ chức các hoạt động sáng tạo, góp phần lan tỏa văn hóa đọc, tạo “cầu nối” tri thức cho học sinh.

Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa cho trí tuệ và tâm hồn của con người. Vì vậy, xây dựng văn hóa đọc sách là rất cần thiết, không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh, mà còn giúp tích lũy tri thức, kỹ năng sống, hình thành nhân cách đẹp. Qua đó, từng bước hình thành thói quen, kỹ năng, làm lan tỏa phong trào đọc sách trong nhà trường, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Thu Hằng

Back To Top