Video

Phục dựng, bảo tồn nét đẹp Lễ tra hạt dân tộc Khơ Mú

Thứ Năm, 27/10/2022 20:40 Lượt xem: 7181 In bài viết

ĐBP- Hơn 10 năm mai một, không tổ chức, Lễ tra hạt của người Khơ Mú bản Huổi Lốt, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo chỉ còn trong trí nhớ của những già làng, thầy cúng. Mới đây, nghi lễ truyền thống tốt đẹp này của dân tộc Khơ Mú được Bảo tàng tỉnh phục dựng trong sự trân trọng, tự hào về văn hóa truyền thống của người dân bản địa.

Lễ tra hạt thường được tổ chức vào tháng 3, 4 âm lịch, vào mùa gieo lúa nương. Nghi lễ này diễn ra theo quy mô gia đình, tại mảnh nương của chủ nhà với sự góp mặt, giúp đỡ của nhiều bà con trong và ngoài bản. Lễ tra hạt nhằm cầu khấn thần linh phù hộ cho gia chủ, bảo vệ nương rẫy, xua đuổi động vật phá hoại, cho lúa trĩu bông, ngô nặng hạt.

Nghi lễ bắt đầu tại nhà gia chủ với cơm, rượu, nước, gia vị để xin phép tổ tiên được làm lễ tra hạt trên nương. Sau đó, thầy cúng và gia đình chủ nương, cùng bà con dân bản đem đồ lễ lên nương, dựng 1 sàn từ tre, nứa để bày vật phẩm. Đồ lễ gồm có 1 con chó, 2 con gà trống lông đỏ, rượu, nước trắng, vòng cổ, vòng tay, gương, lược, vải, trang phục dân tộc... Và đặt vài hạt giống vào gốc cây đã chặt với ngụ ý che giấu không cho chim, sâu nhìn thấy, phá hoại. Sau khi sắp lễ, thầy cúng khấn mời các vị thần linh, lấy tiết của con vật dâng lễ bôi vào đầu các gậy, tấm phên đan... nhằm xua đuổi những điều không tốt.

Gia chủ khấn xong, lấy gậy chọc 6 lỗ để tra hạt trước, rồi phi gậy ra giữa mảnh nương, càng xa càng tốt, đồng thời hô lớn câu "Xong rồi" với ý nghĩa là dù mảnh nương đó nhỏ hay rộng thì việc tra hạt phải làm cho nhanh, xong sớm và diễn ra thuận lợi. Đồng bào Khơ Mú quan niệm càng nhiều người tham gia thì lễ hội càng đông vui, năm đó gia chủ sẽ có mùa màng bội thu, nên tất cả mọi người cùng nhau tiến hành chọc lỗ tra hạt. Việc chọc lỗ thường do nam giới đảm nhiệm còn tra hạt lại là phần việc của nữ giới.

Sau khi cả mảnh nương đã được xuống giống, thầy cúng rót nước trong ống tre để cho những người tham gia buổi lễ rửa tay, rồi vẩy nước lên trời tượng trưng cho những hạt mưa, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối lên xanh tươi tốt.

Buổi phục dựng Lễ tra hạt kết thúc nhưng đã tiếp thêm tình yêu và trách nhiệm gìn giữ văn hóa dân tộc cho người dân Khơ Mú bản Huổi Lốt.

Lễ tra hạt là một trong những nghi lễ nông nghiệp quan trọng của người Khơ Mú khi xưa, thể hiện niềm tin, khát vọng của con người về những vụ mùa bội thu, no ấm. Giờ đây đồng bào Khơ Mú đã áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nhưng nghi lễ này vẫn cần được gìn giữ như một phần văn hóa truyền thống, nhắc nhở người Khơ Mú nhớ về cội nguồn, thêm tự hào và có trách nhiệm bảo tồn giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Nguyễn Hiền

Back To Top